0

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

English

Mẹo dân gian đón trẻ sơ sinh từ viện về nhà dễ nuôi, mau lớn

Ngày đăng: 22/01/2024 - Lượt xem: 5680

Ba mẹ nào sinh con ra cũng đều mong muốn con cái được khoẻ mạnh và bình an. Cha ông ta có câu: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì vậy để đón trẻ sơ sinh từ viện về nhà được suôn sẻ, giúp bé dễ nuôi, mau lớn ba mẹ hãy áp dụng ngay phong tục đón trẻ sơ sinh về nhà theo kinh nhiệm dân gian dưới đây.

Đón trẻ sơ sinh từ viện về nhà

Nội dung chính

Chuẩn bị hành trang khi đón trẻ sơ sinh từ viện về nhà

Trước khi đón trẻ sơ sinh về nhà, ba mẹ cần chuẩn bị một số vật dụng có tác dụng tránh tà, tránh gió như tỏi, con dao nhỏ, đũa, bùa bình an, cành dâu tằm… bởi theo quan niệm dân gian tỏi và dao có tác dụng xua đuổi tà ma, giúp bé không bị quấy nhiễu. Sau khi bé về đến nhà, tỏi, dao và đũa vẫn tiếp tục để ở đầu giường nơi bé nằm để trẻ không bị tà ma quấy rối.

Ngoài ra, khi đưa trẻ sơ sinh từ viện về nhà, mẹ sẽ tô một vết son hoặc nhọ nồi lên trán bé để tránh tà ma hay vía dữ. Vì khi mới sinh, vía của trẻ còn yếu nên khi gặp người lạ hoặc người có vía dữ, bé rất thường hay khóc lóc dữ dội.

Bên cạnh những vật dụng cần chuẩn bị để “làm phép” theo phong tục đón trẻ sơ sinh về nhà, bé cũng cần được che chắn cẩn thận bằng khăn choàng, khăn voan nhằm giữ ấm cho trẻ, tránh nắng và bụi bẩn khi đi ngoài đường. Để yên tâm hơn nữa, nhiều gia đình sẽ chọn giờ tốt để đón bé, tránh những giờ xuất hiện nhiều ma quỷ như buổi tối, 12h trưa

Chọn người “mát tay” để đón trẻ sơ sinh từ viện về nhà

Chọn người để bế bé cũng là điều rất quan trọng trong phong tục đón trẻ sơ sinh về nhà. Theo kinh nghiệm dân gian, ba mẹ hãy chọn những người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tốt tính, cuộc sống sung túc, đủ đầy… để cầu mong bé được hưởng vía đó sẽ dễ nuôi, ít quấy khóc và có cuộc sống hạnh phúc sau này.

Phong tục đốt vía khi đón trẻ sơ sinh giúp bé không quấy khóc

Ba mẹ có thể nhờ người thân đốt một đống lửa để bước qua ngay khi qua cửa vào nhà. Theo dân gian, lửa có tác dụng thanh tẩy, bước qua đống lửa được cho là có thể cắt đứt em bé khỏi sự đeo bám của ma quỷ, vía dữ. Ba mẹ cũng có thể nhờ người thân chuẩn bị một niêu than hồng và cho vào đó một vài trái bồ kết nướng lên để khói bốc lên xung quanh phòng, điều này giúp làm sạch không khí, kháng khuẩn, xua đuổi những nguồn năng lượng xấu. Tuy nhiên ba mẹ cần lưu ý chỉ khi phòng thoáng trở lại và không còn khí than mới được ẵm bé về nhé.

Khi áp dụng phong tục đón trẻ sơ sinh về nhà này, gia đình cần hết sức cẩn thận để tránh gây bỏng cho cả mẹ và bé. 

Kiêng khen ngợi trẻ

Trẻ sơ sinh vốn đáng yêu khiến ai nhìn cũng muốn ôm ấp, cưng nựng và dành lời khen Thế nhưng theo quan niệm dân gian, việc khen ngợi trẻ dễ thương, xinh gái, bụ bẫm sẽ khiến gia chủ khó chịu. Vì những lời khen này được coi là lời quở, làm người âm chú ý tới bé, bé sẽ dễ bị ốm đau. 

Để tránh lời khen ảnh hưởng xấu đến trẻ, người ta thường thêm từ ‘trộm vía” trước câu khen để đứa bé vẫn lớn lên mạnh khỏe, phát triển tốt. Bởi “trộm vía” được giải thích là nhờ vào vía tốt của bà mụ mà cháu mới được xinh đẹp, đáng yêu như thế này.

Một số phong tục khi đón trẻ sơ sinh về nhà khác

  • Cho trẻ mặc quần áo cũ của những em bé bụ bẫm, thông minh, khỏe mạnh để lấy vía.
  • Khi đón bé về đến nhà nên để bé nằm chiếu riêng để dễ nuôi.
  • Không nên cho trẻ ra ngoài buổi tối hoặc giữa trưa khi trẻ còn nhỏ (dưới 1 tháng).
  • Có thể để thêm 1 cành dâu tằm trong phòng ngủ của bé.
  • Xông phòng để xua đuổi âm khí lạnh lẽo khi đón trẻ sơ sinh về nhà.
  • Cúng bà mụ cho trẻ sau 7 ngày (bé trai) và 9 ngày (bé gái) từ khi sinh bé.

Trên đây là những kinh nghiệm dân gian khi đón trẻ sơ sinh từ viện về nhà mà Genmama đã tổng hợp và tham khảo từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc trẻ sơ sinh. Hãy theo dõi chúng tôi thường xuyên để được cập nhật các tin tức về chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như kinh nghiệm nuôi con ba mẹ nhé.